Toán có lời văn luôn là một trở ngại lớn với không chỉ học sinh mà còn là Phụ huynh có con đang theo học lớp 1. Sẽ rất khó để một học sinh còn đang tập làm quen với chữ viết làm được đầy đủ một bài toán có lời văn. Nhưng còn khó hơn nhiều để học sinh đó hiểu được bản chất của việc mình đang làm. Trước khi bắt đầu, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại những gì mà đa số các trường đang dạy học sinh:
Chúng ta hãy cùng nhau đến với ví dụ 1: Hải có 5 cái kẹo, Dương có nhiều hơn Hải 4 cái kẹo. Hỏi Dương có bao nhiêu cái kẹo?
Bước 1: Viết “Bài giải”
Bước 2: Xác định câu hỏi: Là câu bắt đầu bằng chữ “Hỏi” trên đề bài
Bước 3: Viết lời giải dựa vào câu hỏi: Bỏ chữ “Hỏi”, thay “Bao nhiêu” bằng chữ “Số”, thay dấu “?” bằng chữ “là” và thêm dấu “:” (nếu đã có chữ “là” trong câu hỏi thì lời giải kết thúc tại đó)
Bước 4: Viết phép tính
Bước 5: Viết đáp số
Bài giải
Dương có số cái kẹo là:
5 + 4 = 9 (cái kẹo)
Đáp số: 9 cái kẹo
Đã có sẵn một công thức với đầy đủ các bước làm cho các con nhìn vào để làm theo. Nhưng liệu các con có hiểu, hay chỉ đơn giản là làm theo như một cỗ máy?
Để kiểm tra lại, hãy cho con thử một bài toán sau: Ví dụ 2: Bây giờ đang là 2 giờ, gia đình tôi sẽ đi xem phim sau 5 giờ nữa. Hỏi gia đình tôi đi xem phim lúc mấy giờ?
Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau áp dụng công thức trên để làm bài tập này và lúc này lời giải sẽ là: “Gia đình tôi đi xem phim lúc số giờ là:”. Rõ ràng công thức trên đã có vấn đề. Nhưng liệu đây có phải trường hợp duy nhất công thức này chưa thực sự chính xác?
Hãy cùng nhau tới với một ví dụ khác: Ví dụ 3: Trong hộp có 10 viên bi, trong đó có 4 viên bi đỏ. Hỏi có bao nhiêu viên bi không phải là màu đỏ? Theo công thức, lời giải lúc này sẽ là: “Có số viên bi không phải là:”. Thêm một lần nữa công thức trên gặp trục trặc
Hay thậm chí như bài toán sau: Ví dụ 4: An cần hoàn thành 7 bài tập trong ngày hôm nay. Nếu buổi sáng An đã hoàn thành được 3 bài thì An còn phải hoàn thành thêm bao nhiêu bài nữa? Học sinh có thể sẽ ngồi im vì tìm mỏi mắt cũng không thấy chữ “Hỏi” nào trong bài toán. Đến đây có vô số câu hỏi được phụ huynh đặt ra:
Câu trả lời là không thể khác được. Trong một lớp học không gian chật hẹp, sĩ số lớp lớn hơn 50, thật khó để một giáo viên có thể tiếp cận từng bạn để giảng giải, phân tích bài toán, giúp học sinh hiểu được cốt lõi của vấn đề. Vậy cách duy nhất là cung cấp một cách làm chung, lấy một ví dụ và để học sinh làm tương tự với các ví dụ còn lại.
Công thức này đúng, nhưng không phải cho tất cả các trường hợp. Nó đúng với đa số các bài toán đố thông thường, với cách hỏi thông thường nhưng không đúng với một số trường hợp đặc biệt. Vì công thức này hoàn toàn không phải xuất phát từ vấn đề hiểu bài mà chỉ là chép lại câu hỏi theo một cách có sẵn nên nếu câu hỏi có vấn đề, đương nhiên lời giải cũng sẽ có vấn đề.
Đương nhiên là không. Nhưng đôi khi việc không theo khuôn mẫu sẽ khiến học sinh phải chịu những “hậu quả” nhất định, dù cho học sinh làm bài hoàn toàn chính xác.
Vậy làm thế nào để học sinh hiểu và giải một bài toán theo “đúng cách”? Hãy cho con học cách phân tích đề bài và tóm tắt bài toán. Hãy cùng xem lại ví dụ trên: Hải có 5 cái kẹo, Dương có nhiều hơn Hải 4 cái kẹo. Hỏi Dương có bao nhiêu cái kẹo?
Có 2 cách để tóm tắt bài toán này đó là dùng lời văn hoặc sơ đồ đoạn thẳng như sau:
Tóm tắt bằng sơ đồ đoạn thẳng:
Tóm tắt bằng lời văn:
Hải: 5 cái kẹo
Dương: nhiều hơn Hải 4 cái kẹo
Dương: ? cái kẹo
Tóm tắt bằng sơ đồ đoạn thẳng giúp chúng ta dễ dàng xác định phép tính của bài toán. Tóm tắt bằng lời văn giúp chúng ta thấy được đề bài đang hỏi cái gì và đây cũng chính là mấu chốt của bài toán. Thay vì áp dụng một công thức dập khuôn để viết lời giải như trên, hãy cho con làm quen với cách viết lời giải: “Đối tượng cần tìm” là. Vì đó mới là ý nghĩa thực sự của việc viết lời giải cho bài toán.
Ở bài toán này, đối tượng mà đề bài yêu cầu tìm chính là “Số kẹo của Dương”. Vậy lời giải sẽ là: “Số kẹo của Dương là:” hoặc “Dương có số kẹo là:” và trình bày tương tự như trên.
Tương tự như vậy với ví dụ 2, chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm “Đối tượng cần tìm” của bài toán. “Đối tượng cần tìm” ở đây là: “Thời gian đi ăn tối của gia đình tôi”. Vậy lời giải sẽ là: “Thời gian đi ăn tối của gia đình tôi là”. Phép tính tương ứng sẽ là phép tính cộng vì thời điểm đó là 5 giờ sau lúc 2 giờ. Vậy trình bày như sau:
Bài giải:
Thời gian đi ăn tối của gia đình tôi là:
2 + 5 = 7 (giờ)
Đáp số: 7 giờ
Với ví dụ 3, đối tượng cần tìm là: “Số viên bi không phải màu đỏ”. Vậy lời giải sẽ là: “Số viên bi không phải màu đỏ là:”. Phép tính sử dụng sẽ là phép trừ vì tổng số bi bớt đi số bi màu đỏ sẽ còn lại số bi không phải màu đỏ. Và bài toán sẽ được trình bày như sau:
Bài giải:
Số viên bi không phải màu đỏ là:
10 – 4 = 6 (viên)
Đáp số: 6 viên
Bằng cách viết lời giải như thế này, học sinh sẽ hiểu được mục đích của việc viết lời giải, hiểu được bản chất của bài toán, và dễ dàng áp dụng với các dạng bài toán có lời văn sau này.
Về chương trình Homeschool – Dạy trẻ tại nhà
Với ca học lý tưởng từ 3 – 5 bạn và phương pháp tiên tiến của Homeschool, sẽ không khó khăn để giáo viên tiếp cận và giúp đỡ tới từng bạn. Do đó các con hiểu được bản chất vấn đề, phân tích được bài toán và tìm được lời giải hợp lý. Từ đó áp dụng cho các bài tập tương tự sau này và khiến “Toán có lời văn” không còn là cơn đau đầu của phụ huynh thêm nữa.
Hiểu và làm tốt toán có lời văn sẽ là một lợi thế không nhỏ cho học sinh vì đó là nền tảng của hầu hết các loại toán logic sau này. Đặt được một viên gạch vững chắc vào nền móng Toán học của các con sẽ giúp các con tự tin hơn, từ đó giúp các con làm chủ kiến thức toán bản thân, tạo đà phát triển kiến thức Toán cho con trong nhiều năm sau nữa.
CÔNG TY CỔ PHẦN DỊCH VỤ GIÁO DỤC HVO VIỆT NAM
Địa chỉ: 12A07. Tòa 17T4 Hoàng Đạo Thúy,Cầu Giấy, Hà Nội
Hotline: 034.894.9999
Email: [email protected]
Website: https://hvo.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/homeschool